Việt Nam quyết tâm loại trừ bệnh sốt rét vào năm 2030
Trong số 17 tỉnh chưa loại trừ sốt rét, vẫn còn lây truyền tại chỗ, tuy nhiên, số thôn bản có lây truyền tại chỗ ngày càng được thu hẹp.
Sốt rét ngoại lai đang có xu hướng tăng
Nhân Ngày thế giới phòng chống bệnh sốt rét (25/4), Người Đưa Tin (NĐT) đã nghe chia sẻ từ TS. Hoàng Đình Cảnh - Viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương về mục tiêu Việt Nam tiến tới loại trừ bệnh sốt rét vào năm 2030, những khó khăn và thách thức.
NĐT: Thưa ông, Việt Nam đặt mục tiêu sẽ kết thúc bệnh sốt rét vào năm 2030. Xin ông cho biết về lộ trình và kết quả trong phòng chống sốt rét của Việt Nam thời gian qua? Ông Hoàng Đình Cảnh: Chiến lược Quốc gia về phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định 1920, ngày 27/10/2011 và lộ trình loại trừ bệnh sốt rét tại Việt Nam cũng đã được Bộ Y tế phê duyệt tại Quyết định số 08, ngày 5/1/2017 và Nghị quyết 20 ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương đã khẳng định Việt Nam sẽ loại trừ loài sốt rét vào năm 2030.
Năm 2023, số bệnh nhân sốt rét còn 448 ca, giảm 97,3%, số sốt rét ác tính giảm 89,19%, số trường hợp tử vong do sốt rét giảm 85,71% so với năm 2011.
NĐT: Ông nhìn nhận như thế nào về tiến độ để đạt được mục tiêu kết thúc bệnh sốt rét vào năm 2030? Ông Hoàng Đình Cảnh: Đến hết năm 2023, đã có 46 tỉnh được công nhận đã loại trừ sốt rét đạt kế hoạch so với lộ trình loại trừ bệnh sốt rét đã được Bộ Y tế phê duyệt. Trong số 17 tỉnh chưa loại trừ sốt rét, vẫn còn lây truyền tại chỗ, tuy nhiên, số thôn bản có lây truyền tại chỗ ngày càng được thu hẹp. Việt Nam quyết tâm loại trừ bệnh sốt rét vào năm 2030.
TS. Hoàng Đình Cảnh - Viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương.
NĐT: Vậy theo ông, những khó khăn, thách thức đối với đội ngũ hoạt động trong công tác phòng chống sốt rét hiện nay là gì? Ông Hoàng Đình Cảnh: Để loại trừ được bệnh sốt rét, tất cả các ca bệnh, ổ bệnh phải được điều tra, xét nghiệm chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời và xử lý muỗi bằng phun tồn lưu, tẩm màn hóa chất và truyền thông cho người dân.
Việc chẩn đoán xét nghiệm ở tuyến cơ sở cũng gặp khó khăn do không có điểm kính hiển vi hoặc có kính nhưng xét nghiệm viên lâu ngày không nhìn thấy ký sinh trùng sốt rét nên kỹ năng phát hiện cũng giảm dần.
Mặc dù, Việt Nam đã khống chế số ca mắc sốt rét xuống dưới 500 ca/năm; sốt rét tập trung chủ yếu tại một số huyện như Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hoà; huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu; huyện Krongpa, tỉnh Gia Lai.
Tuy nhiên, chúng ta đang phải đối diện với không ít khó khăn, thách thức như: Nước ta là nước nhiệt đới, nhiều rừng núi nên véc tơ gây bệnh phát triển, khó kiểm soát khó tiêu diệt véc tơ, nhất là trong rừng, rẫy; còn trên 6 triệu dân sống trong vùng sốt rét lưu hành.
Sốt rét ngoại lai đang có xu hướng tăng, nhất là sốt rét từ người đến từ Châu Phi. Bên cạnh đó, hiện nay đang có hiện tượng muỗi kháng hoá chất.
Ngoài ra, việc quản lý dân di biến động cũng rất phức tạp mà ngành y tế không thể đảm đương được, cần có sự tham gia của Chính quyền địa phương, các Ban ngành đoàn thể.
Nhân lực trong phòng chống sốt rét bị cắt giảm, kinh phí cắt giảm, các Tổ chức quốc tế cũng giảm dần kinh phí khi dịch giảm, sẽ dẫn đến khoảng trống thiếu hụt nguồn lực tài chính cho công tác giám sát véc tơ và giám sát ca bệnh, nguy cơ sốt rét quay trở lại khi có ca bệnh ngoại lai hoặc thể ẩn (asymtomatic) phát bệnh lây thành dịch do không được phát hiện sớm và xử lý thụ động không kịp thời.
Hệ thống cán bộ cơ quan phòng chống sốtrét còn thiếu về số lượng và yếu, nhất là tuyến huyện, xã.
Đội ngũ cán bộ tuyến cơ sở cũng thường xuyên thay đổi. Do đó, việc nắm bắt công việc cũng cần có thời gian tiếp cận, cập nhật kiến thức.
Dồn tổng lực về đíchNĐT: Với những khó khăn, thách thức nêu trên, ông có đề xuất gì để Việt Nam có thể hoàn thành được mục tiêu loại trừ bệnh sốt rét trong năm 2030? Ông Hoàng Đình Cảnh: Với những kết quả đã đạt được, Việt Nam có cơ hội loại trừ sốt rét tại Việt Nam vào năm 2030. Đây là mục tiêu nhiều nước trong khu vực đang mơ ước. Tuy nhiên, chúng ta cũng đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức: Tình hình dịch vẫn diễn biến phức tạp, dịch bệnh tập trung chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bảo dân tộc thiểu số, hẻo lánh, đi lại tiếp cận được những người dân ở khu vực đi rừng, ngủ rẫy rất khó khăn.
Cùng với đó, hiện nay lực lượng cán bộ y tế làm công tác phòng chống sốt rét ở tuyến huyện, tuyến xã rất mỏng, chi phí phục vụ cho họ còn khó khăn.
Để hoàn thành được mục tiêu loại trừ bệnh sốt rét ở Việt Nam vào năm 2030, trước hết chúng ta cần có những giải pháp đồng bộ.
Có chiến lược dồn tổng lực về đích: Xây dựng chiến lược loại trừ sốt rét để huy động sự tham gia của toàn xã hội và đầu tư ngân sách của địa phương thay thế nguồn viện trợ; duy trì tính bền vững.
Đẩy mạnh truyền thông, vận động chính sách, duy trì và sắp xếp lại hệ thống cán bộ làm công tác chuyên môn, hệ thống xét nghiệm, giám sát ca bệnh, lồng ghép hệ thống điều trị trong y tế, chủ động giám sát và phòng chống véc tơ; tập huấn và đào tạo nguồn nhân lực; duy trì hệ thống giám sát, báo cáo; ứng dụng công nghệ thông tin.
Tiếp tục các nghiên cứu khoa học, điều tra đánh giá về dịch tễ, véc tơ, kháng thuốc cung cấp bằng chứng khoa học để đưa ra các hướng dẫn chuyên môn phù hợp.
Chủ động đánh giá và phòng sốt rét quay trở lại tại các địa phương đã loại trừ.
NĐT: Nhân ngày Thế giới phòng chống sốt rét, xin ông chia sẻ thêm về thông điệp nhắn nhủ đến đội ngũ nhân lực ngành cũng như đếnvớingười dân?Ông Hoàng Đình Cảnh: Đối với cán bộ y tế làm công tác sốt rét, cần cùng nhau nỗ lực vượt qua khó khăn, tiếp tục cống hiến cho sứ mệnh cao cả là loại trừ bệnh sốt rét tại Việt Nam.
Đối với người dân, cần chủ động phòng bệnh sốt rét, ngủ màn/màn tẩm hóa chất diệt muỗi thường xuyên, nhất là khi ngủ lại ở nương rẫy, trong rừng; khi bị sốt, sốt rét hãy đến các cơ sở y tế để được khám, xét nghiệm và điều trị kịp thời.
NĐT: Xin trân trọng cảm ơn ông!.
Tags:bộ y tế
viện sốt rét
ký sinh trùng
côn trùng
bệnh sốt rét
hoàng đình cảnh
Tin cùng chuyên mục