25/04/2023 06:43

'Truyện Genji'

"Truyện Genji" của Nhật - hơn 1.000 năm tuổi, kể đời sống tình ái của một hoàng tử - còn được coi là tiểu thuyết đầu tiên trên thế giới.

Ngày 18/4, Pen-house - một trong những thương hiệu văn phòng phẩm lớn nhất tại Nhật Bản - ra mắt loại mực in mới được đặt tên là Truyện Genji (Genji-monogatari). Theo lời giới thiệu từ nhà sản xuất, họ lấy cảm hứng từ cuốn sách nổi tiếng để tạo ra "loại mực nguyên bản với chất lượng, màu sắc trang nhã, thể hiện đậm nét văn hóa, truyền thống của Nhật". Theo nhiều chuyên gia, cuốn sách được viết từ đầu thế kỷ 11 đến nay vẫn có tầm ảnh hưởng sâu rộng.

'Truyện Genji'

Bức tranh "Murasaki Shikibu ngắm trăng" của họa sĩ Mitsuoki Tosa vẽ thế kỷ 17, được trưng bày ở đền Ishiyamadera. Ảnh: Ishiyamadera Temple

Tác giả Murasaki Shikibu sinh khoảng năm 978, mất sau năm 1019, thuộc dòng họ quý tộc Fujiwara. Thực tế "Murasaki" là bút hiệu các học giả đặt cho bà, còn "Shikibu" là tước vị bà thừa hưởng từ cha. Tên thật và nơi sinh của tác giả vẫn chưa được xác định. Theo sử sách Nhật Bản, các thành viên gia đình Shikibu đều là những học giả và thi sĩ xuất chúng, trong đó nổi bật nhất là Murasaki. Năm 26 tuổi, bà theo hầu thứ phi Akiko trong triều đình của Thiên hoàng Ichijo (986-1011). Đây cũng là khoảng thời gian cực thịnh của thời kỳ Heian (794-1185).

Hiện vẫn còn những tranh cãi về thời điểm Shikibu bắt đầu viết Truyện Genji. Mốc thời gian nhận được nhiều đồng thuận nhất là năm 1003 - hai năm sau khi chồng bà qua đời. Tác phẩm dài 54 chương, gồm hai phần chính: Phần đầu có 40 chương, kể về cuộc đời Hoàng tử Hikaru Genji với những cuộc phiêu lưu tình ái, đồng thời khắc họa chân dung nhiều nhân vật nữ có quan hệ thân thiết với Genji. Phần sau gồm 14 chương là câu chuyện về Kaoru - người con của Genji trên danh nghĩa. Sách tập trung miêu tả tình yêu và tâm lý nhân vật. Tác giả tạo ra một thế giới sống động, lột tả chi tiết đời sống, sinh hoạt, tư duy không chỉ của giới quý tộc mà còn của cả tầng lớp dân thường.

Nhiều độc giả coi Truyện Genji như bách khoa toàn thư về tình yêu với những nỗi niềm muôn vẻ của chuyện tình ái. Trong cuốn Envisioning The Tale of Genji, giáo sư Haruo Shirane nhận định: "Dưới ngòi bút của Shikibu, triết lý Phật giáo về luật nhân quả và thuyết vô thường được truyền tải sâu sắc mà vẫn gần gũi, xuyên suốt tác phẩm, thông qua sự liên kết chặt chẽ giữa các mối quan hệ".

Tác phẩm của Shikibu được xem là tiểu thuyết đầu tiên trên thế giới. Sách viết bằng chữ kana, thể loại monogatari cổ điển. "Monogatari" nghĩa là "truyện kể", song cách kể và nội dung Shikibu truyền đạt được đánh giá vượt xa thời đại. Theo Japan Times, trong khi những cuốn sách thời đó chủ yếu kể chuyện thần linh, anh hùng diệt yêu quái với sức mạnh siêu nhiên, Truyện Genji thể hiện nội dung hoàn toàn khác, dựa trên bức tranh cuộc sống đời thường nhưng đa dạng, nhiều màu sắc.

Trước Truyện Genji, thể loại monogatari là những câu chuyện đơn giản, mang nhiều dấu ấn hoang đường, cổ tích, hoặc đơn thuần truyện kể lịch sử. Tác phẩm của Shikibu mang nhiều nét đặc trưng của tiểu thuyết như miêu tả, phản ánh cuộc sống qua góc nhìn cá nhân, hay chất văn xuôi được sử dụng rõ ràng để xây dựng hành động, tính cách và tâm lý nhân vật.

'Truyện Genji'

Chân dung Genji qua nét vẽ của họa sĩ Utagawa Kuniteru ở thế kỷ 19. Ảnh: Miwajapaneseart

Nhiều chi tiết không phải nội dung then chốt của cốt truyện được đưa vào như cuộc sống chốn thâm cung, những cuộc đấu đá tranh giành quyền lực, việc Genji xây cung điện. Tuy nhiên, yếu tố "thừa" đó đã đưa tác phẩm vượt ra ngoài khái niệm monogatari thời bấy giờ, giúp xây dựng các nhân vật đầy đủ hơn, qua đó phác họa bối cảnh và thể hiện trọn vẹn quá trình phát triển câu chuyện.

Yếu tố đặc sắc khác của tác phẩm là cách đề cập vấn đề bình đẳng giới. Shikibu sinh ra trong gia đình thượng lưu, điều này khiến bà phải thận trọng hơn trong việc bày tỏ quan điểm cá nhân, nhất là trong xã hội phong kiến, gia trưởng, nơi phụ nữ không được coi trọng. Sự khéo léo của Shikibu được thể hiện qua hệ thống nhân vật nữ dày đặc xuất hiện trong cuộc đời Genji. Nữ sĩ đã biến những người tình tưởng như chỉ đóng vai phụ trở thành các nhân vật chính, có tầm ảnh hưởng lớn đến tính cách, quyết định và thậm chí là số phận của nhân vật trung tâm.

Truyện Genji được CNN đánh giá là "cho phép phụ nữ thể hiện cá tính, trí tuệ và tự do của họ". Còn theo Giáo sư Michael McCormick tại Đại học Harvard, Murasaki Shikibu "đã sử dụng phong cách chưa từng được biết đến ở thời điểm đó. Bất chấp những rào cản xã hội, cuốn sách của Shikibu vẫn là một kiệt tác mang tính nghệ thuật cao".

Một trong những nét nghệ thuật đó là mono no aware - sự bi cảm trước sự vật. Đây là khái niệm mỹ học quan trọng với người Nhật Bản, được học giả Motoori Norinaga đúc kết sau công trình nghiên cứu về Truyện Genji. Ở thời kỳ Heian, chữ aware để gợi tả vẻ đẹp tao nhã, xen lẫn nỗi buồn dịu dàng của sự vật. "Đây được xem là linh hồn đối với văn chương Nhật Bản khi đó", tờ New Yorker nhận định.

Truyện Genji có sức ảnh hưởng sâu rộng trong văn hóa Nhật. Trong quá trình sáng tạo, Shikibu góp phần hoàn thiện bộ chữ hiragana, giúp cho việc ký âm chữ Hán đơn giản hơn và tạo thuận lợi cho người đọc. Sau này, giới học thuật còn tìm thấy mối liên hệ giữa tiểu thuyết và một đặc điểm của thể thơ haiku. Trong Truyện Genji, nhân vật chính đã chia dinh thự Rokujoin thành bốn khu vực, tượng trưng bốn mùa. Trang Nippon của Giáo sư chuyên ngành Khoa học Chính trị, nhà nghiên cứu Harukata Takenaka viết: "Hình tượng Rokujoin trong Truyện Genji là bước đầu tiên hình thành nên saijiki - một dạng từ điển gồm các kigo (từ chỉ các mùa). Và một trong những quy tắc của thể thơ haiku là có một kigo".

'Truyện Genji'

Mô hình dinh thự Rokujoin tại bảo tàng Truyện Genji ở Uji, Kyoto. Ảnh: Wikimedia

Ngoài văn xuôi, trải dài 54 chương trong Truyện Genji còn là 795 bài thơ waka được trần thuật dưới góc nhìn của nhân vật chính. Tờ Japan Times tin rằng giá trị từ kho tàng thơ ca này đã truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ tác giả tại Nhật Bản. Nổi bật là Fujiwara no Teika, một trong những nhà thơ lớn nhất và được đánh giá là bậc thầy của thể thơ waka.

Với nền văn học đương đại, Haruki Murakami là người đã vận dụng một số yếu tố độc đáo trong Truyện Genji. Theo nhà phê bình từng hai lần giành giải Pulitzer - John Updike, trong cuốn Kafka bên bờ biển, Murakami đã sử dụng "phức cảm Genji" - thuật ngữ chỉ hiện tượng tâm lý, những cảm xúc phức tạp trong khát vọng kiếm tìm tình yêu vĩnh cửu của nhân vật Genji.

Đến nay, Truyện Genji vẫn còn sức lan tỏa mạnh mẽ ở quốc gia Đông Á này. Kiệt tác của Shikibu đã trở thành đề tài khai thác trong văn hóa đại chúng Nhật Bản với những bộ phim cùng tên hay cả trò chơi điện tử. Năm 2000, để kỷ niệm và tôn vinh 1.000 năm tác phẩm của Murasaki Shikibu ra đời, chính phủ nước này đã in hình minh họa từ cuốn sách lên tờ tiền 2.000 yên.

Sĩ VânTrở lại Giải tríTrở lại Giải tríChia sẻ ×

Tags:

The Tale of Genji

Truyện Genji

Murasaki Shikibu

Sản phẩm

Phân tích

Tin cùng chuyên mục