Tranh cãi quanh việc Mexico cấm thí sinh chuyển giới dự thi Hoa hậu Hoàn vũ
Tờ El American đưa tin bà Lupita Jones - Hoa hậu Hoàn vũ 1991, đồng thời là Giám đốc quốc gia tổ chức Mexicana Universal, đã thông báo không chấp nhận đơn dự thi của thí sinh chuyển giới. "Chúng tôi đã nhiều lần giải thích chuyện này và sẽ không thay đổi quan điểm", bà Jones nói.
Mexicana Universal là đơn vị tổ chức cuộc thi nhan sắc lớn tại Mexico để tìm ra đại diện tham dự cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ, Hoa hậu Quốc tế...
Trong một cuộc phỏng vấn từ vài năm trước, bà Lupita Jones cho biết người chuyển giới nên có những cuộc thi riêng. Bà muốn Mexicana Universal là cuộc chơi cho những phụ nữ thực thụ. Sau vài năm, quan điểm của cựu Hoa hậu Hoàn vũ - Lupita Jones đối với vấn đề để người chuyển giới tham dự cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Mexico không thay đổi.
Bà Lupita Jones - Hoa hậu Hoàn vũ 1991 đang giữ chức Giám đốc quốc gia tổ chức Mexicana Universal (Ảnh: El American).
Bà giải thích: "Dù tiến hành phẫu thuật chuyển đổi giới tính, thay đổi một số bộ phận giống phụ nữ, họ vẫn là người chuyển giới. Trong cuộc sống, ai cũng có không gian, chỗ đứng riêng. Tất nhiên, người chuyển giới không nên bị phân biệt đối xử. Họ xứng đáng được công nhận. Nhưng Mexicana Universal không phải là sân chơi của họ".
Tuy nhiên, khi được hỏi về thông báo chấp nhận phụ nữ đã lập gia đình và sinh con tham gia cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ từ năm 2023, Giám đốc quốc gia Mexicana Universal - Lupita Jones cho biết, bà tuân thủ những chính sách mới. Bà ủng hộ việc để những người đã sinh con tham dự cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Mexico.
"Tôi rất vui khi có những sự thay đổi mang tính sáng tạo và chiến lược trong cuộc sống giúp phụ nữ không bị giới hạn mục tiêu cuộc sống hay ước mơ của họ. Hãy ủng hộ những người phụ nữ muốn dự thi hoa hậu nếu họ đáp ứng các yêu cầu. Theo thông báo mới của tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ, chúng tôi sẽ chấp nhận những phụ nữ đã kết hôn, đã sinh con tham dự cuộc thi từ cuộc thi năm 2023. Đây là điều chưa có tiền lệ", bà Jones chia sẻ.
Bà Lupita Jones ủng hộ việc chấp nhận phụ nữ đã có gia đình, sinh con tham dự Hoa hậu Hoàn vũ nhưng nói "không" với người chuyển giới góp mặt tại cuộc thi này (Ảnh: Instagram).
Andrea Meza, đại diện của Mexico, đăng quang Hoa hậu Hoàn vũ 2020 (Ảnh: Getty Images).
Hiện tại, phát ngôn của Giám đốc quốc gia Mexicana Universal đang trở thành chủ đề bàn tán trên mạng xã hội. Nhất là khi tổ chức Miss Universe (Hoa hậu Hoàn vũ) thông báo chấp nhận người chuyển giới dự thi từ năm 2012 và gần đây, tỷ phú chuyển giới người Thái Lan - Anne Jakapong Jakrajutatip trở thành chủ nhân mới của cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ.
Năm 2012, cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ - một trong 4 cuộc thi nhan sắc uy tín và lâu đời trên thế giới thông báo cho phép người chuyển giới tham gia. Thông tin này cũng gây nhiều tranh cãi bởi nhiều người e ngại chất lượng cuộc thi có thể đi xuống vì có quá nhiều phụ nữ chuyển giới tham gia. Trong khi đó, những người thuộc cộng đồng LGBTQ+ lại ủng hộ sự thay đổi của tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ.
Năm 2018, thí sinh chuyển giới đầu tiên được sải bước trên sân khấu Hoa hậu Hoàn vũ. Đó là Hoa hậu Hoàn vũ Tây Ban Nha - Angela Ponce. Cô trở thành người đẹp chuyển giới đầu tiên tham dự cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ. Dù chỉ dừng chân ở top 20 chung cuộc nhưng Angela Ponce là một trong những thí sinh nổi bật nhất sân khấu Hoa hậu Hoàn vũ năm 2018.
Angela Ponce (người Tây Ban Nha) là thí sinh chuyển giới đầu tiên góp mặt tại Hoa hậu Hoàn vũ (Ảnh: Getty Images).
Miss Universe Mexico không phải là sân chơi sắc đẹp quốc tế đầu tiên nói không với người chuyển giới. Tháng 9 vừa rồi, tờ Laotian Times đưa tin, cuộc thi sắc đẹpmangtên Miss Fabulous Laos 2022 của Lào bị cơ quan chức năng yêu cầu dừng tổ chức do có thí sinh chuyển giới tham gia.
Hồi tháng 8/2022, cơ quan quản lý của Lào ra quyết định yêu cầu các cuộc thi nhan sắc phải tuân thủ quy định, bao gồm cấm người chuyển giới, nếu không phải ngừng tổ chức. Luật cũng quy định thí sinh chuyển giới của Lào chinh chiến tại cuộc thi sắc đẹp ở nước ngoài cũng bị xử phạt.
Do không muốn loại các thí sinh đã vào vòng chung kết, cuộc thi Miss Fabulous Laos 2022 đã quyết định dừng tổ chức. Quyết định trên cũng nhằm phản đối quy định cấm người chuyển giới. Ban Tổ chức cuộc thi Miss Fabulous Laos 2022 mong muốn cơ quan chức năng tạo điều kiện để ủng hộ quyền bình đẳng cho cộng đồng LGBTQ+.
Cuối tháng 9 vừa rồi, cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ đã thuộc về tay tỷ phú chuyển giới người Thái Lan - Anne Jakapong Jakrajutatip. Được biết, doanh nhân người Thái Lan đã bỏ 20 triệu USD để mua lại cuộc thi nhan sắc uy tín và nổi tiếng nhất nhì thế giới.
Tỷ phú chuyển giới người Thái Lan - Anne Jakapong Jakrajutatip vừa mua lại cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ và khuyến khích người chuyển giới góp mặt tại sân chơi này (Ảnh: Instagram).
Tỷ phú chuyển giới người Thái Lan bày tỏ, dưới thời của cô, format tổ chức của Hoa hậu Hoàn vũ về cơ bản không thay đổi nhưng sẽ có một số điểm khác biệt. Trong đó, doanh nhân chuyển giới Anne Jakapong Jakrajutatip hi vọng cuộc thi sắc đẹp này sẽ có thêm sân chơi và cơ hội cho những người chuyển giới giống như cô.
Bà chủ mới của Hoa hậu Hoàn vũ cho rằng, phụ nữ chuyển giới hay không chuyển giới đều có quyền và cơ hội tham gia cuộc thi vì sự bình đẳng của tất cả phụ nữ.
"Cho đến tận ngày nay, Hoa hậu Hoàn vũ vẫn là niềm hy vọng, nguồn cảm hứng, khát khao và ước mơ của nhiều phụ nữ. Đó là định mệnh đưa tôi đến gặp công ty sở hữu cuộc thi này. Nhiều lúc tôi tự hỏi mình có muốn làm việc này không. Đôi khi ngồi nghĩ, tôi thậm chí rơi nước mắt. Sau thời gian dài suy nghĩ, tôi nhận ra mình đã sẵn sàng. Hôm nay hoặc mãi mãi chúng tôi không có được cơ hội này", Anne Jakkaphong nói.
Tin cùng chuyên mục