26/07/2022 09:53

Tổng thống Biden lên lịch họp thượng đỉnh với châu Phi

 

Tổng thống Biden lên lịch họp thượng đỉnh với châu Phi

Tổng thống Mỹ Joe Biden (Ảnh: AP).

Theo kế hoạch, hội nghị thượng đỉnh Mỹ - châu Phi sẽ được tổ chức từ ngày 13-15/12 với sự tham dự của Tổng thống Joe Biden cùng khoảng 50 nhà lãnh đạo châu Phi.

Nội dung hội nghị thượng đỉnh Mỹ - châu Phi sẽ tập trung vào cam kết kinh tế mới, thúc đẩy hòa bình và an ninh, giải quyết các thách thức hiện nay như an ninh lương thực và biến đổi khí hậu.

Theo ông Biden, hội nghị thượng đỉnh này sẽ thể hiện cam kết lâu dài của Mỹ đối với châu Phi, nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ Mỹ - châu Phi và tăng cường hợp tác về các ưu tiên chung toàn cầu.

Thông báo lần này của ông Biden được đưa ra khi Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris có bài phát biểu trực tuyến tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh Mỹ - châu Phi ở Marrakech, Ma Rốc.

Theo đó, Washington đã "cam kết mang theo tất cả các công cụ của chúng tôi, bao gồm tài trợ phát triển, viện trợ không hoàn lại và hỗ trợ kỹ thuật cũng như hỗ trợ cải cách luật pháp và quy định, tất cả để giúp các đối tác châu Phi của chúng tôi phát triển", bà Harris nói.

"Các quan chức Mỹ sẽ coi hội nghị ở Marrakech lần này để làm việc nhằm thúc đẩy sáng kiến cơ sở hạ tầng toàn cầu mới của Washington và "huy động hàng trăm tỷ USD cho đầu tư cơ sở hạ tầng chất lượng cao, bền vững", Phó Tổng thống Mỹ nhấn mạnh thêm.

Tại Đức vào tháng trước, Tổng thống Biden đã đề xuất sáng kiến trị giá 600 tỷ USD với G7 để xây dựng cơ sở hạ tầng thông qua Đối tác về Cơ sở hạ tầng và Đầu tư toàn cầu (PGII). Trong số đó, Washington đặt mục tiêu huy động 200 tỷ USD cho PGII trong 5 năm tới thông qua các khoản viện trợ, tài trợ và đầu tư của khu vực tư nhân.

Lo ngại ảnh hưởng của Trung Quốc ở châu Phi

Mỹ đặt mục tiêu "bơm" hàng tỷ USD đầu tư vào châu Phi trong một cam kết mới nhằm chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc tại lục địa này.

Trung Quốc đã vượt Mỹ trở thành đối tác thương mại lớn nhất của châu Phi vào năm 2009 và giờ đây Washington sẽ hợp tác với nhóm G7 để huy động vốn đầu tư cho lục địa đen.

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - châu Phi gần đây nhất được tổ chức cách đây 8 năm dưới thời chính quyền của Tổng thống Barack Obama, với sự tham dự của các nhà lãnh đạo từ 50 quốc gia châu Phi.

Trong khi đó, Diễn đàn về Hợp tác Trung Quốc - châu Phi, được tổ chức 3 năm một lần. Vào tháng 11/2021, tại diễn đàn được tổ chức ở thủ đô Dakar của Senegal, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, người đã tham dự qua video trực tuyến, cam kết ứng trước 40 tỷ USD tài trợ và hứa sẽ tăng giá trị nhập khẩu từ châu Phi lên 300 tỷ USD trong 3 năm tới.

Trung Quốc đã tài trợ và xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng khổng lồ như cảng, đường sắt, đường cao tốc và đập thủy điện, ở châu Phi theo Sáng kiến Vành đai-Con đường xuyên lục địa. Trong số này có tuyến đường sắt trị giá 4,7 tỷ USD ở Kenya chạy từ cảng Mombasa đến thủ đô Nairobi với phần mở rộng đến Naivasha, Kenya.

Bắc Kinh cũng đã xây dựng một tuyến đường sắt tương tự kéo dài từ thủ đô Addis Ababa của Ethiopia đến Djibouti. Tại Djibouti, Bắc Kinh cũng đã tài trợ cho các dự án cảng lớn và khu thương mại tự do, đồng thời xây dựng căn cứ quân sự hải quân đầu tiên ở nước ngoài.

Mỹ cáo buộc Trung Quốc đưa các nước đang phát triển vào "bẫy nợ" bằng cách cung cấp các khoản vay không bền vững cho các dự án BRI.

Bắc Kinh đã bác bỏ cáo buộc và phản bác lại rằng: "Cái gọi là bẫy nợ của Trung Quốc là thông tin sai lệch thuần túy và là cái bẫy của những nước không muốn thấy hợp tác Trung Quốc - châu Phi tăng tốc".

Theo SCMP

Tin cùng chuyên mục