22/04/2024 03:21

Lý do khoản viện trợ 61 tỷ USD của Mỹ được coi là cứu cánh cho Ukraine

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết, gói viện trợ mới nhất của Mỹ mang lại cho đất nước ông khả năng giành lại thế chủ động trong cuộc chiến với Nga.Gói viện trợ trị giá gần 61 tỷ USD vừa được Hạ viện Mỹ thông qua đến vào thời điểm các lực lượng Nga đang tận dụng lợi thế về vũ khí và nhân lực so với các lực lượng Ukraine để đạt những bước tiến mới.“Tôi nghĩ sự hỗ trợ này sẽ thực sự tăng cường sức mạnh cho các lực lượng vũ trang Ukraine”, ông Zelensky nói với Đài NBC hôm 21/4 thông qua một phiên dịch viên. “Chúng tôi đã mất thế chủ động”, Tổng thống Ukraine nói. “Bây giờ chúng tôi có mọi cơ hội để ổn định tình hình và giành lại thế chủ động”.Các chuyên gia cũng đồng ý rằng gói viện trợ mới nhất của Mỹ, sẽ có thể bao gồm đạn pháo, hệ thống phòng không và tên lửa tầm trung và tầm xa, sẽ là “cứu cánh” cho phép Ukraine “thu hẹp khoảng cách” sau nhiều tháng tổn thất và nguồn cung vũ khí, đạn dược ngày càng cạn kiệt.

Lý do khoản viện trợ 61 tỷ USD của Mỹ được coi là cứu cánh cho Ukraine

Tên lửa Nga được phóng từ vùng Belgorod của nước này, nhìn từ Kharkiv, ngày 18/4/2024. Ảnh: CBS News

Ông Nick Reynolds, nhà nghiên cứu về chiến tranh trên bộ tại tổ chức tư vấn an ninh RUSI có trụ sở tại London (Vương quốc Anh) cho biết, việc thông qua dự luật “có ý nghĩa rất lớn”. Ông nói với trang iNews: “Đây thực sự là một cứu cánh. Người Ukraine đang thiếu đạn pháo trầm trọng... họ đã cạn kiệt”.Gói viện trợ sẽ được đưa tới Thượng viện Mỹ để bỏ phiếu lần đầu tiên vào ngày 23/4 và dự kiến sẽ được thông qua trước khi được Tổng thống Joe Biden ký thành luật vào cuối tuần này. Dự luật đã bị đình trệ trong nhiều tháng do sự phản đối của một số thành viên Đảng Cộng hòa tại Hạ viện Mỹ.Trước khi dự luật được Hạ viện Mỹ thông qua hôm 20/4, người phát ngôn Lầu Năm Góc, Chuẩn tướng Patrick Ryder, cho biết Mỹ có thể bắt đầu chuyển hỗ trợ an ninh cho Ukraine trong vòng “vài ngày” kể từ khi dự luật trở thành luật. Nhờ vào hệ thống hậu cần mạnh mẽ, Lầu Năm Góc có thể “tăng cường hỗ trợ an ninh với số lượng lớn”, vị quan chức Mỹ nói.Đến vào thời điểm quan trọngÔng Justin Crump, cựu sĩ quan Quân đội Anh, người điều hành công ty tình báo rủi ro Sibylline, chỉ ra rằng Ukraine gần đây đã phải bắt đầu phân bổ lượng đạn pháo dự trữ cho tiền tuyến. “Đối với Mỹ, dự luật có nghĩa là các nhà cung cấp có thể bắt đầu chuyển vũ khí vào Ukraine ngay lập tức – còn đối với Ukraine, điều này mang lại sự yên tâm. Bây giờ họ biết sẽ có thêm pháo binh, họ có thể bắt đầu sử dụng như bình thường những gì họ đang có sẵn”, ông Crump nói.Ông Matthew Savill, giám đốc khoa học quân sự tại RUSI, chỉ ra rằng trong số 61 tỷ USD, khoảng 13 tỷ USD là để bổ sung cho kho vũ khí của Mỹ. Ông nói: “Khoảng 28 tỷ USD dành để cung cấp trang thiết bị trực tiếp cho Ukraine: 13,9 tỷ USD để giúp Ukraine mua thiết bị và 13,7 tỷ USD để mua các hệ thống của Mỹ cho Ukraine”.Ukraine cũng sẽ nhận được hơn 9 tỷ USD hỗ trợ kinh tế dưới hình thức “các khoản vay có thể được miễn trả”. Điều đó nghĩa là khoản tiền này không cần phải hoàn lại và góp phần cho phép Chính phủ Ukraine tiếp tục hoạt động. Tiền cũng đã được cung cấp cho “sự hỗ trợ quân sự” của Mỹ trong khu vực. Gói an ninh quốc gia cũng bao gồm một điều khoản gây tranh cãi cho phép Ukraine sử dụng tiền từ tài sản bị tịch thu của Nga, bất chấp sự phản đối của hệ thống ngân hàng quốc tế.“Mặc dù việc mua sắm trang thiết bị mới có thể gây ra sự chậm trễ, nhưng Lầu Năm Góc đã nói rằng một số mặt hàng đã sẵn sàng để chuyển giao, chỉ cần được phê duyệt, để giảm thiểu thời gian giao hàng, gần như chắc chắn bao gồm cả đạn pháo 155 mm”, ông Savill cho biết.

Lý do khoản viện trợ 61 tỷ USD của Mỹ được coi là cứu cánh cho Ukraine

Binh sĩ Ukraine gần điểm nóng Chasiv Yar trong cuộc xung đột với Nga, tháng 4/2024. Ảnh: The Telegraph

“Động thái của Mỹ mang lại cho các quốc gia khác cảm giác yên tâm hơn”, ông Crump của Sibylline cho biết khi nói về dự luật viện trợ được Hạ viện Mỹ thông qua. “Đã có những lo ngại về việc Mỹ chùn bước, để lại khoảng trống lớn hơn cho các quốc gia khác lấp đầy. Bây giờ Mỹ trở lại là động cơ thúc đẩy điều này, các quốc gia khác sẽ tự tin hơn”.Nhu cầu về đạn pháo 155 mm đã tăng vọt trong xung đột Nga-Ukraine, điều mà Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg gọi là “trận chiến đạn dược”, khi các đồng minh phương Tây chạy đua tăng quy mô sản xuất đạn pháo.Dòng viện trợ của Mỹ cũng đến vào thời điểm quan trọng của cuộc chiến. Ukraine đang phải vật lộn với tình trạng thiếu hệ thống phòng không và tên lửa bị cạn kiệt sau một loạt cuộc không kích gần đây của Nga, đặc biệt nhắm vào cơ sở hạ tầng năng lượng. Trong những tuần gần đây, Nga đã giành quyền kiểm soát hàng trăm km2 lãnh thổ ở Donbass sau khi thị trấn tiền tuyến Avdiivka thuộc vùng Donetsk thất thủ hồi tháng 2.Mới nhất, Bộ Quốc phòng Nga cho biết trong một tuyên bố hôm 21/4 rằng các lực lượng của Moscow đã giành quyền kiểm soát làng Bohdanivka ở vùng Donetsk. Tuần trước Bộ Quốc phòng Ukraine phủ nhận việc Nga đã kiểm soát toàn bộ Bohdanivka, đồng thời thừa nhận đã mất một số vị trí tại ngôi làng tiền tuyến. Các nguồn tin không chính thức của Ukraine cho rằng Bohdanivka nằm trong tay người Nga, dựa trên đoạn video quay ngôi làng và thị trấn Chasiv Yar, ở phía Tây Nam.Giúp thu hẹp khoảng cáchCho đến nay, Mỹ đã gửi cho Ukraine khoảng 111 tỷ USD viện trợ kể từ khi bắt đầu chiến sự hơn 2 năm trước, trong khi vào tháng 2, EU đã đồng ý cấp thêm 54 tỷ USD viện trợ cho Ukraine. Ông Stoltenberg đã cam kết tăng cường khả năng của NATO trong việc cung cấp các hệ thống phòng không.Tuy nhiên, ông Savill của RUSI cảnh báo rằng gói viện trợ mới nhất của Mỹ khó có thể “tạo ra sự ngang bằng ngay lập tức với khối lượng hỏa lực của Nga, nhưng nó sẽ giúp thu hẹp khoảng cách”.Ông Peter Caddick-Adams, nhà phân tích quốc phòng, nói với iNews: “Khoản tiền này sẽ trả lương cho công chức, bác sĩ và giáo viên, những người không tạo ra thuế vì họ đang thực hiện nghĩa vụ ở tiền tuyến”, nhưng phần lớn trong khoản tiền này cũng sẽ được sử dụng để “cải thiện các hệ thống phòng không, bao gồm cả hệ thống phòng không Patriot do Mỹ sản xuất có thể đánh chặn tên lửa của Nga”.Ukraine hiện có 3 hệ thống Patriot, nhưng Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cho biết nước này cần 26 hệ thống để bao phủ toàn bộ đất nước và đang thúc đẩy các đối tác châu Âu gửi thêm.

Lý do khoản viện trợ 61 tỷ USD của Mỹ được coi là cứu cánh cho Ukraine

Hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân ATACMS MGM-140 do Mỹ sản xuất. Ảnh: Getty Images

Gói viện trợ cũng có thể bao gồm tên lửa tầm xa ATACMS (Hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân), với một vài quả đã được Mỹ tặng cho Ukraine vào năm ngoái. Tên lửa có tầm bắn 300 km và đã được Ukraine sử dụng để tấn công vào bên trong lãnh thổ Nga.Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ là người quyết định cuối cùng về việc liệu vũ khí này có được cung cấp cho Ukraine hay không. Bất kỳ sự chuyển giao ATACMS nào cũng đều không được tiết lộ công khai.Người đứng đầu Nhà Trắng có thể không muốn hệ thống vũ khí này được sử dụng để tấn công trực tiếp vào Nga, ông Crump của Sibylline cho biết.Nhưng trong khi các chính trị gia và chỉ huy quân đội Ukraine hoan nghênh dự luật viện trợ, thì lại có những lo ngại về tương lai nỗ lực chiến đấu của Ukraine khi Nga tăng quy mô sản xuất vũ khí.“Khoản tài trợ này có lẽ chỉ có thể giúp ổn định vị thế của Ukraine trong năm nay và bắt đầu chuẩn bị cho các hoạt động vào năm 2025”, ông Savill của RUSI nhận định.“Việc nâng cao tinh thần và thêm đạn dược để tăng cường khả năng phòng thủ của họ là những điều kiện tiên quyết để bắt đầu xây dựng lại lực lượng chiến đấu của Ukraine và đạt được tiến bộ vào năm tới… nhưng cần lập kế hoạch sâu hơn và sẽ cần có tiền cho năm 2025. Quan trọng là từ nay đến lúc đó, chúng ta sẽ chứng kiến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ”, vị chuyên gia kết luận.Minh Đức (Theo iNews, Bloomberg, Reuters)

Tags:

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky

gói viện trợ mới nhất của Mỹ

cuộc chiến với Nga

Ukraine đang thiếu đạn pháo trầm trọng

bầu cử Tổng thống Mỹ

Tin cùng chuyên mục