Loại rau là kho dược lý, ăn đại bổ nhưng nhiều người sợ đen không dám ăn đầu năm
Có nhiều người cho rằng những ngày đầu năm cần kiêng một số loại thực phẩm có thể mang lại điều xui xẻo nếu cố ăn, chẳng hạn như ba ba, thịt chó, mực tươi,… Với các loại thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật thì rau ngải cứu được tương truyền cần phải kiêng đầu bảng.
Mùa xuân là thời điểm rau ngải cứu phát triển tốt. Nhiều người thích ăn loại rau này và chế biến thành các món như xào (rán) trứng, tiềm ngải cứu, ăn lẩu,… Nhưng một số người lại cho rằng ăn ngải cứu đầu năm có thể đen đủi, trong năm dễ phải đi cấp cứu nên phải kiêng qua Rằm tháng Giêng mới dám ăn.
Các chuyên gia cho biết, việc kiêng kỵ chỉ là quan niệm do mọi người đặt ra, thường dựa vào tên của các loại thực phẩm là chủ yếu. Lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng – Hội Đông y Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho rằng, đầu năm mọi người thường kiêng mực vì cho rằng ăn vào sẽ đen đủi hay đỗ đen cũng liệt vào danh sách phải kiêng, hay với các loại rau thì có ngải cứu. Nhưng về mặt y khoa thì ăn những loại rau này còn rất tốt, có tác dụng chữa bệnh tuyệt vời.
Lương y Đắc Sáng cho biết, ngải cứu có vị đắng nhưng mùi thơm và có tính ấm nên được sử dụng như một bài thuốc chữa bệnh trong đông y từ xưa đến nay.
Về ẩm thực, ngải cứu là loại rau gia vị, nhưng xét về mặt y học đây là một cây thuốc có nhiều tác dụng chữa bệnh, nhất là điều trị xương khớp, giảm đau, an thần. Đặc biệt, vị đắng và tinh dầu ngải cứu chống viêm loét dạ dày hiệu quả, lợi tiểu, nhuận tràng.
Cây ngải cứu khi sấy hoặc phơi khô còn có chất histamin và acetylcholin thường được dùng trong các loại thuốc kháng sinh, giảm đau, an thần. Chính vì vậy, người ta thường dùng khói ngải cứu để chữa bệnh đau đầu, an thần, giảm đau nhức.
Đặc biệt, với những người không có chuyên môn y học, ngải cứu chỉ cần dùng như một loại rau, thực phẩm hàng ngày cũng có rất nhiều tác dụng. Điển hình như các món ăn kết hợp với ngải cứu như chim câu, gà tần ngải cứu, chân giò hầm ngải cứu hạt sen… đều có tác dụng bồi bổ, an thần rất tốt cho cơ thể.
Bạn có thể tham khảo một số bài thuốc từ ngải cứu như:
- Đau thần kinh tọa, nhức buốt khớp xương, đau đầu hoa mắt: Lấy 300g ngải cứu rửa sạch, giã nát, thêm 2 muỗng mật ong, vắt lấy nước uống trưa, chiều. Uống liên tục trong vòng 1-2 tuần.
- Lưu thông máu lên não: Lấy 1 nắm lá ngải cứu, xắt nhỏ, đánh tan đều với 1 quả trứng gà, nêm vừa miệng, đổ vào chảo chiên chín rồi ăn.
- Điều hòa kinh nguyệt, giảm đau bụng kinh: Trước thời gian hành kinh một tuần, hãm ngải cứu hoặc pha bột ngải cứu cùng nước sôi như pha trà, uống 3 lần một ngày.
- Giúp an thần: Hỗn hợp lá ngải cứu, lá bưởi, lá khuynh diệp ngâm với nước đun sôi xông giải cảm trong vòng 15 phút.
Do ngải cứu có tính dược lý cao nên lương y Bùi Đắc Sáng tư vấn, phụ nữ mang thai ba tháng đầu, người bị bệnh viêm gan, người bị bệnh rối loạn đường ruột cấp tính, người bị bệnh xơ vữa động mạch vành, người bị bệnh sỏi thận, không nên dùng nhiều.
Với những tác dụng tuyệt vời với sức khỏe, ông Sáng khuyên mọi người không không nên vì quan niệm xưa mà bỏ qua một loại rau tốt, một vị thuốc quý cho cơ thể. Đặc biệt, thời điểm Tết là lúc giao mùa, đề kháng kém, dễ mắc bệnh nên việc dùng ngải cứu thời điểm này có tác dụng rất tốt với sức khỏe.
Tags:công dụng của rau ngải cứu
Tin cùng chuyên mục