Lạm phát ảnh hưởng lợi nhuận Vinamilk
Quý II, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk - VNM) ghi nhận doanh thu 14.930 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 2.100 tỷ đồng. Kết quả kinh doanh tiếp tục đi lùi khi doanh thu giảm gần 5% và lợi nhuận sụt 26,5% so với cùng kỳ 2021. Đây là quý thứ 6, lợi nhuận công ty này giảm so với cùng kỳ.
Ban lãnh đạo Vinamilk lý giải lạm phát cao là nguyên nhân chủ yếu. Theo Nielsen, sức tiêu thụ hàng tiêu dùng nhanh tại Việt Nam đã giảm 2% trong 5 tháng đầu năm. Ngoài ra ở thị trường trong nước, Vinamilk bị cạnh tranh nhiều hơn khi có thêm các công ty mới gia nhập ngành sữa. Với mảng xuất khẩu trực tiếp, doanh thu thuần giảm gần 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Biến động này được ban lãnh đạo cho rằng nằm trong kế hoạch của công ty khi sức mua tại các thị trường xuất khẩu giảm ngắn hạn vì lạm phát và giá cước vận chuyển vẫn neo ở mức cao.
Song điểm sáng nằm ở tăng trưởng kênh bán hàng hiện đại và mở rộng hệ thống cửa hàng Giấc mơ sữa Việt. Trong quý vừa qua, Vinamilk đã mở mới 37 cửa hàng, đưa tổng số điểm bán lên 651. Hai chi nhánh nước ngoài Driftwood và Angkormilk ghi nhận tăng trưởng doanh thu lần lượt 40% và 20%.
Ngoài ra, biên lợi nhuận gộp quý II của Vinamilk đạt 40,7% - lần đầu tiên hồi phục trong 7 quý gần nhất - tăng 0,2% so với quý I. Riêng mảng nội địa, biên lãi gộp tăng 0,7% nhờ yếu tố mùa vụ khi tiêu thụ sữa trong quý hè cao hơn quý đầu năm. Trong các quý tiếp theo, Vinamilk dự kiến biên lãi gộp tiếp tục duy trì và cải thiện nhờ giá một số nguyên vật liệu chính đầu vào đã cho thấy dấu hiệu tạo đỉnh.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, tổng doanh thu hợp nhất của công ty đạt 28.900 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 4.386 tỷ đồng, hoàn thành gần một nửa kế hoạch cả năm. Năm nay, doanh nghiệp đầu ngành sữa dự kiến lợi nhuận đi lùi hơn 7% trước áp lực từ giá nguyên liệu đầu vào, thức ăn chăn nuôi và cước vận tải. Nếu không vượt kế hoạch đề ra, đây sẽ là lần thứ hai liên tiếp lợi nhuận Vinamilk tăng trưởng âm.
Tuy nhiên, các công ty chứng khoán bắt đầu có đánh giá lạc quan hơn cho Vinamilk trong dài hạn. Theo SSI Research, các nhà đầu tư có thể xem xét lại cổ phiếu VNM nhờ dự báo công ty đạt mức tăng trưởng lợi nhuận ròng 11% vào năm 2023 nhờ tỷ suất lợi nhuận cải thiện do giá sữa bột có xu hướng điều chỉnh giảm.
Số liệu từ Tổ chức thương mại sữa toàn cầu chỉ rõ, giá sữa bột nguyên kem, sữa bột tách kem và chất béo sữa dạng khan có sự điều chỉnh bắt đầu từ tháng 3. Kết hợp với việc tăng giá bán bình quân trong 6 tháng đầu năm, tỷ suất lợi nhuận gộp của các công ty sữa có thể cải thiện từ quý IV/2022.
Cũng với quan điểm giá bột sữa sẽ giảm, VnDirect cho rằng Vinamilk được hưởng lợi. Theo đó, biên lợi nhuận gộp của VNM có thể cải thiện 0,6-0,7% trong giai đoạn 2022-2023. Đơn vị này dự đoán công ty sẽ đạt tốc độ tăng trưởng kép lợi nhuận sau thuế khoảng 7,5% trong giai đoạn 2022-2025. Theo VnDirect, đây là mức tăng trưởng ổn định đối với một doanh nghiệp đã đạt mức lợi nhuận lớn từ 10.000-11.000 tỷ đồng như Vinamilk.
Tất Đạt
Tags:VNM
Vinamilk
ngành sữa
Sức khỏe doanh nghiệp
Tin
Tin cùng chuyên mục